Với định hướng thương hiệu gắn liền với lối sống jet-set của tầng lớp trung lưu, Michael Kors là một lựa chọn cao cấp, sang trọng với phong cách thời trang Mỹ thực dụng, năng động và chi phí hợp lý.
1. Tính biểu tượng
Thương hiệu Michael Kors là một đại diện tiêu biểu cho phong cách thời trang Mỹ cao cấp. Không xa hoa, không thượng đẳng mà sở hữu triết lý sang trọng thực dụng. Một sự lựa chọn cao cấp, thậm chí phô trương và tinh vi, nhưng không tạo quá nhiều “áp lực” cho túi tiền. Đối tượng chủ yếu của Michael Kors được gọi là HENRY (High Earners Not Rich Yet) – những người có khả năng tài chính độc lập, đủ sức mua sắm thường xuyên và phong phú, sẵn sàng trải nghiệm và có thời gian để du lịch, vui chơi và tận hưởng niềm vui.
Những thiết kế của Michael Kors đề cao sự khéo léo và tinh xảo, mang cảm giác hào nhoáng, sang trọng nhưng có tính ứng dụng cao và sẵn sàng theo đuổi các xu hướng thời trang hiện hành. Một phong cách sống Jet-set với tư tưởng cởi mở, tự do và thanh lịch, được nhận diện như một lối sống hiện đại của thế hệ trẻ phương Tây và mang tính biểu tượng – đại diện cho phong cách thời trang của Michael Kors.
2. Lịch sử thương hiệu
Thương hiệu Michael Kors, thuộc công ty thời trang Michael Kors Holdings Limited, được sáng lập bởi nhà thiết kế cùng tên vào năm 1981. Ở tuổi thiếu niên, Michael Kors (tên thật là Karl Anderson, Jr.) đã bộc lộ tài năng thiết kế của mình. Ông theo học tại học viện Kỹ Thuật Thời Trang New York vào năm 1977. Ông bỏ học chỉ sau 9 tháng và làm việc tại một cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ Bergdorf Goodman (57th Street). Tại đây, nhà thiết kế Michael Kors đã có cơ hội để bán các thiết kế của mình ở một không gian nhỏ, sau đó may mắn được giám đốc thời trang Dawn Mello của Bergdorf Goodman phát hiện và mua lại các thiết kế của ông. Đó là năm 1981, bộ sưu tập thời trang nữ đầu tiên của Michael Kors chính thức ra đời, khởi đầu tại Bergdorf Goodman và dần xuất hiện tại khắp các thương hiệu bán lẻ có tiếng lúc bấy giờ tại Mỹ, bao gồm Bloomingdale’s , Lord & Taylor, Neiman Marcus và Saks Fifth Avenue.
Các vấn đề tài chính bắt buộc thương hiệu Michael Kors tạm ngưng hoạt động từ năm 1993. Năm 1995, nhà thiết kế Michael Kors tham gia ICB (International Concept Brand) – thương hiệu thời trang thuộc công ty Nhật Bản Onward Kashiyama. Sau đó, Michael Kors được mời phụ trách thiết kế cho dòng sản phẩm thời trang nữ Ready to Wear của thương hiệu Celine từ năm 1997. Đến tháng 10/2003, rời nhà Celine, Michael Kors tập trung hồi sinh thương hiệu của riêng mình sau khi cho ra đời dòng thời trang nam giới vào năm 2002. Tính đến cuối năm nay (2016), thương hiệu Michael Kors được 35 năm tuổi và đang trên đà ổn định với hàng trăm cửa hàng mở rộng trên toàn thế giới. Tháng 1/2014, tạp chí Forbes công bố nhà thiết kế Michael Kors sở hữu tài sản cá nhân không lồ, trở thành tỷ phú của ngành công nghiệp thời trang Mỹ.
Thương hiệu Michael Kors hướng đến cơ sở khách hàng rộng lớn, do đó tập trung xây dựng và gìn giữ hình ảnh thương hiệu sang trọng cao cấp ở phân khúc tầm trung. Điều này phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn cầu. Và hơn hết, số lượng khách hàng mục tiêu của các thương hiệu tầm trung cao cấp như Michael Kors đang ngày càng gia tăng đáng kể trên khắp thế giới. Thói quen mua sắm của tầng lớp trung lưu đã thay đổi, thay vì khao khát các thương hiệu đẳng cấp xa xỉ như Chanel, Gucci, Louis Vuitton,… khách hàng hài lòng hơn với chất lượng và giá cả vừa vặn của hàng hiệu cao cấp tầm trung. Những yếu tố “thiên thời địa lợi” đã góp phần cho sự thành công vượt trội của thương hiệu Michael Kors trong những năm gần đây.
Là một thương hiệu Mỹ, Michael Kors hiển nhiên chú trọng nền tảng trực tuyến. Theo ghi nhận của Michael Kors Annual Report 2016, lưu lượt truy cập vào website ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi chính thức khởi động vào tháng 9/2014. Do đó, phát triển thương mại điện tử toàn cầu và trong khu vực Châu Á nói riêng, cũng như tối ưu hóa nền tảng thương mại di động, là những kế hoạch quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể của thương hiệu Michael Kors năm 2017.
Thực chất, tích hợp nền tảng kỹ thuật số chính là bí quyết thành công mang tính lịch sử của thương hiệu Michael Kors.
Song song đó, Michael Kors cũng tích cực thiết lập mối quan hệ với người tiêu dùng trực tuyến thông qua nền tảng truyền thông xã hội. Các chiến dịch Marketing thành công và nổi tiếng nhất của Michael Kors có thể kể đến như: #MKTimeless Contest (8/2012); Mother’s Day Contest (2012) với #WhatSheWants hiển thị trên Twitter và Pinterest; #WhatsInYourKors (2013) thông qua Twitter và Instagram; Instagram Marquee Ads (2015) – Michael Kors chính là thương hiệu thời trang đầu tiên sử dụng tính năng video ads Marquee của Instagram.
3. Các dòng sản phẩm nổi bật
Michael Kors Collection là dòng sản phẩm làm nên lịch sử của thương hiệu, được xây dựng từ những ngày đầu sáng lập với những thiết kế dựa trên tính sang trọng thiết yếu và quyến rũ thực dựng dành cho phụ nữ. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm KORS Michael Kors ra đời năm 1990, nhưng đến nay đã được sáp nhập.
Dòng sản phẩm Michael Kors Mens ra đời vào năm 2002, là một bộ sưu tập Ready to wear tập trung tất cả các sản phẩm cần thiết cho phong cách nam giới hiện đại, mà tiêu biểu là phong cách thời trang Mỹ bao gồm trang phục, giày dép, túi xách, ví da, đồng hồ và cả nước hoa. Năm 2004, thương hiệu này cho ra mắt dòng sản phẩm MICHAEL Michael Kors mà theo đó, tập trung mạnh vào phụ kiện, giày, túi xách, đồ da nhỏ và các thiết kế phổ biến với giá cả hợp lý dành cho giới trẻ như jean, quần short, áo khoác,…
=> Xem thêm: Bộ sưu tập giày búp bê Michael Kors
Năm 2004, thương hiệu đồng hồ Michael Kors dành cho cả nam và nữ chính thức ra mắt, cấp phép bán lẻ tại chuỗi cửa hàng cũng như trang web thương mại điện tử của Fossil kể từ tháng 4/2004. Từ năm 2008 – 2009, thương hiệu Michael Kors đã cho ra đời các cửa hàng đồng hồ độc lập, đặt lần lượt tại Milan và London. Fossil cũng được cấp phép đối với nhóm trang sức (bao gồm hoa tai, vòng cổ, nhẫn,…) như là các sản phẩm bổ sung của bộ sưu tập phụ kiện của Michael Kors kể từ tháng 12/2010.
Có rất nhiều những người nổi tiếng là khách hàng thân thiết của thương hiệu Michael Kors như Angelina Jolie, Jennifer Lopez, Taylor Swift, Kate Middleton, Kate Hudson, Jennifer Lawrence,… Nhưng nhất định phải kể đến Đệ Nhất Phu Nhân của nước Mỹ – Michelle Obama, với trái tim thời trang được ví như đã bị “đánh cắp” bởi Michael Kors. Sự xuất hiện đáng chú ý, liên tiếp nhiều lần trong trang phục của Michael Kors, Michelle Obama thực sự được xem là một trong những gương mặt đại diện thành công nhất của thương hiệu.
Tuy nhiên, kể cả khi nhà thiết kế Michael Kors đã không ít lần bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với các gương mặt thương hiệu như Yasmin Le Bon, Sasha Pivovarova, Vanessa Moody, Natasha Poly, Solange Knowles, … Thực sự thì, những gương mặt thanh lịch đến từ Estonia: Carmen Kass và Karmen Pedaru, mới đang giữ kỷ lục cho tần suất xuất hiện liên tục trong các chiến dịch của thương hiệu Michael Kors. Những cô gái Estonia tóc vàng là những nàng thơ lâu năm của Michael Kors.
Tại Việt Nam, thương hiệu Michael Kors chưa có kế hoạch tiến sâu vào thị trường nội địa, tuy nhiên hiện cũng có một số store đáng tin cậy phân phối các sản phẩm của MK đến với các tín đồ thời trang Việt Nam như Pumi Store, Leflair…
Xem thêm: